Các mẹ thường nghĩ bé suy dinh dưỡng là bé thấp còi, thiếu cân nặng. Tuy nhiên đây chỉ là một dạng suy dinh dưỡng trong 3 dạng: thể phù, thể teo đét và thể phối hợp. Trong trường hợp thể phù, nhìn bên ngoài trẻ có thể trạng béo tốt, nhưng rất có thể trẻ đang bị thiếu calci, thiếu vitamin D, thiếu máu, thiếu sắt, còi xương…
1. Bé mập nhưng bác sĩ vẫn kết luận bé bị suy dinh dưỡng?
Theo các bác sĩ có khá nhiều điểm để phân biệt một đứa trẻ béo khỏe với một đứa trẻ bụ bẫm do suy dinh dưỡng. Trẻ suy dinh dưỡng thể phù thường có khuôn mặt tròn trịa nhưng chân tay khẳng khiu. Trên da trẻ xuất hiện những đốm màu đỏ sẫm, đen loang lỗ hoặc bong vảy, chốc lở do sắc tố da bị rối loạn và các tế bào da bị chết. Khi được thăm khám sẽ thấy trẻ có trương lực cơ yếu, rối loạn sắc tố da, thiếu máu, gan to và thoái hóa mỡ, phù, giảm đạm máu.
Bé mập nhưng bác sĩ vẫn kết luận là bị suy dinh dưỡng
2. Tại sao bé mập nhưng vẫn bị suy dinh dưỡng?
Chế độ ăn cho bé đóng góp một phần quan trọng trong việc gây nên tình trạng suy dinh dưỡng thể bụ. Việc không cho con bú mà thay bằng sữa công thức, nước cháo pha sữa, bột dinh dưỡng… hoặc để bé kiêng khem quá mức khi mắc bệnh là nguyên nhân cơ bản.
Thêm vào đó, khẩu phần ăn của bé thường không được cung cấp đủ chất đạm nhưng vẫn nhận đủ hoặc gần đủ năng lượng từ chất bột đường hay chất béo, sử dụng những loại sữa không phù hợp với thể trạng của bé cũng là lý do đáng kể khác.
Và cuối cùng, suy dinh dưỡng thể phù cũng có thể bắt nguồn từ các bệnh lý khác. Do trẻ mắc phải những chứng bệnh di truyền hoặc nhiễm khuẩn sơ sinh kết hợp với chế độ dinh dưỡng thiếu hợp lý.
3. Làm sao để con phát triển cân đối?
Để phòng trường hợp này, các bác sĩ dinh dưỡng khuyên phụ huynh nên cho trẻ ăn uống đầy đủ theo nhu cầu. Nhu cầu ở đây không phải là sở thích của trẻ mà là nhu cầu của lứa tuổi để cho trẻ ăn bao nhiêu gam chất đạm, bao nhiêu gam chất béo, bao nhiêu gam chất bột đường…
Với trẻ đã béo rồi thì cha mẹ cần xem lại chế độ ăn, điều chỉnh xuống mức tiêu chuẩn. Ngoài ra, cha mẹ nên tăng cường các hoạt động thể lực cho các trẻ như đi bộ, đi xe đạp, chạy chơi…để trẻ tiêu bớt năng lượng.
Cha mẹ cần xem lại chế độ ăn, điều chỉnh xuống mức tiêu chuẩn
Cha mẹ cũng cần chú ý, giảm bớt những loại thực phẩm giàu chất béo, chất bột đường xuống nhưng vẫn phải cho trẻ uống sữa đầy đủ, vì sữa là nguồn cung cấp canxi, khoáng chất tốt nhất. Ngoài ra, để cung cấp lượng vitamin D từ thiên nhiên cho sự phát triển của trẻ, cha mẹ nên cho trẻ tắm nắng 15 phút mỗi ngày. Vào mùa đông trời ít nắng, cha mẹ có thể cho trẻ uống bổ sung vitamin D3.
4. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ 1-3 tuổi
– Trẻ sẽ cần 28g chất đạm trong một ngày. Chất đạm có nhiều trong thịt, cá, tôm, cua, lươn, lạc, vừng, đậu đỗ…
– 30-40g chất béo một ngày. Chất béo có nhiều trong: mỡ gà, mỡ lợn…
– Về khoáng chất: Lứa tuổi này cần được cung cấp đủ canxi và phốt pho theo tỷ lệ canxi/phốt pho là 1/1,5. Trong đó canxi cần khoảng 400 – 500mg/ngày. Ngoài ra cũng cần bổ sung 6-7mg sắt/ngày cho trẻ. Bạn có thể cho trẻ ăn nhiều các loại thức ăn như: tôm, cua, ốc, cá… để bổ sung canxi và ngũ cốc để bổ sung phốt pho.
– Cần cung cấp thêm vitamin D cho trẻ hằng ngày bằng cách tắm nắng khoảng 30 phút/ngày. Mùa hè nên tắm nắng vào khoảng 7-8 giờ sáng, mùa đông nên từ 15 đến 17 giờ. Mùa đông ít nắng có thể cho trẻ uống bổ sung vitamin D3. Trẻ cần vitamin D khoảng 400UI/ngày. Bạn có thể cho trẻ ăn: bú sữa mẹ, ăn lòng đỏ trứng và gan.
– Ngoài ra, mỗi ngày trẻ cần khoảng 400 mcg vitamin A, 30-60 mg vitamin C có nhiều trong các loại rau củ như cà rốt, đu đủ, rau cải…
Xem Thêm Các Chủ Đề: