Bé ham chơi lười ngủ thì phải làm sao ?

0
2494
bé ham chơi lười ngủ

Trong giai đoạn phát triển đặc biệt là khi bé đã biết đi các bé sẽ trở nên rất  ham chơi và phá phách nhiều hơn, tâm trạng hiếu động đó sẽ làm các bé lười ngủ, quên đi giờ giấc sinh hoạt bình thường của mình. Nếu tình trạng lười ngủ kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của các bé. Chính vì vậy các mẹ cần phải tìm hiểu thật kỹ nguyên nhân và khắc phục tình trạng trên của bé.

Vì sao bé không chịu ngủ?
Hầu hết các bậc cha mẹ đều quá quen thuộc với kịch bản này: Đã qua một ngày dài, nhưng vẫn còn chén đĩa từ bữa ăn tối chờ đợi bạn, rồi các hóa đơn cần thanh toán, chó và mèo cần ăn tối… Bạn gần như không có thời gian rảnh rỗi để nghỉ ngơi. Bạn đặt con lên giường ngủ lúc 8h30 tối, ôm hôn và chúc bé ngủ ngon. Thay vì dành phần còn lại của buổi tối để giải quyết những việc lặt vặt trong nhà và tranh thủ thời gian quý giá ở bên cạnh ông xã, bạn vẫn phải ra vào phòng của con và dỗ bé ngủ. Cuối cùng, bé chỉ chịu ngủ sau đó vài tiếng.

Đừng vội nản lòng, giờ ngủ có thể khá khó chịu với một số bé ở tuổi mầm non. Một mặt, bé đang háo hức và còn mải chơi, cũng có thể bé đang dồn tâm trí vào việc học những kỹ năng mới và cũng nhận thức về tính độc lập của mình. Mặt khác, bé sợ hãi vì phải ở một mình. Trẻ ở tuổi này đối diện với khá nhiều nỗi sợ, nào là con quái vật dưới gầm giường, ông kẹ trong tủ quần áo, sấm chớp, sâu bọ… những thứ đó khá đáng sợ khi bạn chỉ có một mình trong bóng tối.

Mẹ nên làm gì để giúp bé dễ ngủ hơn?

Dành thời gian trò chuyện về ngày của bé
Bé yêu có thể chưa chịu ngủ đơn giản chỉ vì bé cần thời gian để cùng bạn nói chuyện về những việc xảy ra trong ngày của bé. Đặc biệt, nếu bạn bận bịu với công việc, nên sắp xếp một ít thời gian trước khi bé ngủ để trò chuyện về những việc đang diễn ra ở trường mầm non và “tin sốt dẻo” hay những sự kiện mới nhất trong cuộc sống xã hội của bé. Bạn có thể thấy rằng bé ngoan ngoãn đi ngủ hơn nếu có cơ hội bày tỏ tâm tư.

Dạy con ngoan thói quen trước giờ ngủ
Nên tạo ra một thời gian biểu đi ngủ bằng hình vẽ đơn giản cho con bạn làm theo, bao gồm việc tắm rửa, đánh răng, chuyện kể trước giờ ngủ và nụ hôn chúc ngủ ngon. Đưa ra cho bé một vài lưu ý trước khi bắt đầu các thủ tục mỗi đêm: “Suri, năm phút nữa là đến giờ tắm rồi!”. Cố gắng không để cho bé la cà hoặc kéo lê mọi thứ với các hoạt động không thuộc lịch trình “chuẩn” như không có ly nước thứ ba hoặc thêm một đoạn phim hoạt hình “Tom and Jerry” nữa chẳng hạn.

Khích lệ khi bé ngủ đúng giờ


Khi con đi ngủ đúng giờ, bạn nên có phần thưởng cho bé. Bé yêu cũng xứng đáng được khích lệ. Sáng hôm sau, nhớ khen ngợi và nên tặng bé một phần thưởng như một cuốn sách mới hoặc một buổi chơi đùa ở khu vui chơi yêu thích của bé nếu bé ngủ đúng giờ ba đêm liên tiếp. Đối với trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo, vài ba ngày là cả một thời gian dài để phấn đấu.

Đưa ra lựa chọn
Việc từ chối đi ngủ là một cách phản ứng mạnh mẽ khi bé muốn tự khẳng định mình. Vì vậy, sẽ có ích nếu bạn tìm ra một biện pháp khác cho phép bé khẳng định mình. Nên để bé quyết định xem bé muốn nghe một bài thơ hoặc câu chuyện cổ tích Ăn khế trả vàng trước khi tắt đèn hoặc hỏi liệu bé có muốn uống một ngụm nước trước khi hoặc sau khi leo lên giường không. Cần cẩn thận khi đưa ra những chọn lựa trong giới hạn vì nếu bạn hỏi: “Con có muốn đi ngủ bây giờ không?”, có thể bạn sẽ không thích câu trả lời mình nhận được.

Dịu dàng nhưng kiên quyết
Ngay cả khi bé khóc lóc hay cầu xin một ngoại lệ cho quy tắc lên giường đúng giờ, bạn vẫn phải giữ vững lập trường. Nếu bạn đang buồn bực, mệt mỏi, đừng tham gia vào một cuộc chiến, nên nói thật bình tĩnh và êm ả nhưng nhấn mạnh rằng khi đã hết giờ chơi có nghĩa là đã đến giờ ngủ. Nếu bạn nhượng bộ theo yêu cầu của bé “thêm năm phút nữa thôi mà mẹ”, bạn sẽ nghe lại điều này lần nữa vào tối mai.

Dạy con ngoan ngủ một mình
Nếu bé chỉ ngủ khi có bạn bên cạnh, hiện tại là thời điểm tốt để tập bé đi ngủ một mình. Bạn có thể cho bé sự khích lệ bằng cách nhắc nhở đã đến lúc đi ngủ. Nếu bé nằm ngoan, bạn sẽ trở lại trong năm phút nữa. Nhớ trấn an rằng bé luôn an toàn và bạn đang ở gần đó
.
Tập cho bé ngủ sâu qua từng bước một
Bạn không thể mong đợi chỉ trong một tối bé đã học được cách đi ngủ và ngủ ngoan cả đêm theo kịch bản hoàn hảo của bạn mà nên tiến hành từng bước tại từng thời điểm. Nếu bé từng ngủ thiếp đi trên giường của bạn, có lẽ bước đầu tiên của bé sẽ là ngủ thiếp đi trên chiếc giường của chính mình. Bước thứ hai của bé có thể là học cách hạn chế những lần thức giấc xuống chỉ còn một lần mỗi đêm hoặc gọi bạn chỉ một lần trong lúc lơ mơ. Bạn nên tự nghĩ ra cách riêng để đi đến mục tiêu cuối cùng, ngủ thẳng giấc suốt đêm mà không cần một lời nhắc nhở, trong những bước tiếp theo.

Tìm hiểu lý do tại sao bé khó ngủ

  • Nhớ hỏi thăm những lý do cụ thể khiến bé không chịu nằm yên trên gối. Có phải vì bé chưa muốn ngủ? Sợ hãi? Xung quanh quá yên tĩnh?
  • Nên gắn cho phòng bé một chiếc đèn ngủ nếu bé sợ bóng tối.
  • Không xem tivi ban đêm nếu các chương trình truyền hình khiến bé hoảng sợ.
  • Nên để bé bồng bềnh với những bài hát ru trong đĩa nhạc nếu căn phòng quá yên ắng.
  • Hướng dẫn một số kỹ thuật giúp bé thư giãn như tưởng tượng mình đang nổi trên một đám mây hay nằm trên một bãi biển. Điều này sẽ giúp bé lãng quên đi những ý nghĩ sợ hãi.
  • Ngoài ra, cần lắng nghe các ý tưởng của bé về những gì có thể giúp ích. Một kế hoạch mà bé đưa ra có cơ hội thành công cao hơn.

Nên chắc chắn rằng bé được hít thở nhiều không khí trong lành và có tập thể dục trong ngày. Nếu đi ngủ quá sớm, có thể bé sẽ thiếu ngủ vào ban đêm. Ở độ tuổi này, trẻ em cần ngủ tổng cộng 11-13 giờ trong 24 tiếng, vì vậy bạn có thể xem xét chuyển giờ ngủ lùi lại một tiếng. Một số hoạt động thể chất và sự thay đổi lịch trình nhỏ có thể là tất cả những gì cần thiết để đảm bảo bé yêu của bạn khỏe mạnh và chịu đi ngủ đúng giờ.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here