18 tuổi gặp tai nạn khiến chấn thương nghiêm trọng ở đầu gối, tôi phải mất một khoảng thời gian thực hiện phẫu thuật nối dây chằng và vài tháng sau đó khó khăn tự tập đi lại. Thời gian dài sau cuộc phẫu thuật tôi vẫn cảm thấy “có gì đó” không ổn nơi đầu gối. Mặc dù cuộc phẫu thuật được thực hiện rất tốt bởi bác sĩ giỏi của bệnh viện lớn, thì việc bình phục của tôi không đạt được trên 90% là vì thiếu chăm sóc hậu phẫu. Tôi biết được nguyên nhân này là vì bẵng đi vài năm khi hoàn thành đại học ở nước ngoài về và gặp gỡ lại một số bạn bè làm về ngành Y, họ khuyên tôi lúc ấy đáng ra nên đi tập vật lý trị liệu.
Lần đầu tôi nghe về “vật lý trị liệu”, và lần ấy trong lòng tôi cứ nhen nhóm một cảm giác tiếc nuối điều gì đó, giá như có thể thời gian quay trở lại, tôi sẽ khuyên tôi của quá khứ theo cách mà bạn bè khuyên tôi hiện tại. Bước qua tuổi trẻ và nhìn lại những gì đã qua, tùy vào cách nhìn nhận mà chúng ta sẽ có trong lòng sự hối tiếc, hay coi đó là tiền đề cho những gì sẽ nối tiếp trong tương lai. Nói về tai nạn hoặc chấn thương do bất cẩn, chắc chắn rằng đối với nhiều người thì đó là điều không may, hoặc với những người khác thì đó là một bài học ghi tâm khắc cốt.
Tôi nghĩ, khi đã rút được một bài học lớn từ kinh nghiệm của chính mình, tại sao không chia sẻ để ai cũng có thể học được từ những gì mà người khác đã trải qua?
(Chia sẻ và trò chuyện cùng bệnh nhân để được nghe những câu chuyện trong quá trình chữa bệnh của họ)
Đầu tiên, tôi mở một phòng khám Phục hồi chức năng – Vật lý trị liệu trong sự ngạc nhiên của rất nhiều bạn bè. Có thể trong quan niệm vốn có của họ thì những ai học sáu năm ngành y mới có thể mở được một phòng khám, còn tôi – dân học kinh doanh ra, 5 năm đi dạy trong các lĩnh vực hàng không và quản trị… thì tại sao lại mở phòng khám chứ? Quan niệm của riêng tôi thì khác như vậy. Khi chọn người đồng hành, tôi đi cùng các bác sĩ đến từ những bệnh viện lớn chuyên về phục hồi chức năng, và các kỹ thuật viên tay nghề cao, quan trọng là tất cả phải có được cái tâm phục dược, hết lòng vì người bệnh. Họ là những người cùng tôi ngày ngày trao đổi chuyên môn và tập huấn nâng cao kiến thức. Hầu hết các khóa huấn luyện ngắn hạn tổ chức cho nội bộ phòng khám, tôi đều mời những vị thạc sỹ đầu ngành về giảng dạy. Còn về bản thân tôi thấy việc đứng ngoài ngành của tôi thực ra lại là một lợi thế, tôi có thể dễ dàng đứng từ góc độ của một bệnh nhân để đặt mình vào vị trí của họ, cảm nhận những gì họ trải qua, thấu hiểu tâm tư và những gì mà họ cần được biết, tôi truyền đạt lại những điều đó một cách đơn giản, dễ hiểu, nhưng đầy giá trị về mặt kiến thức.
(Những bệnh nhân trẻ gặp chấn thương do tai nạn, lao động hoặc chơi thể thao… đang được điều trị tại PHCN Hữu Nhân)
Với ý tưởng lan truyền hiểu biết bên cạnh việc điều trị bệnh đó, tôi ấp ủ và nuôi dưỡng một dự án vềchia sẻ kiến thức phục hồi chức năng đến thật nhiều người. Tôi gặp gỡ các bậc tiền bối, anh em bạn bè trong nghề y, làm việc với bạn bè khác ngành nhưng cùng chí hướng về sự chia sẻ… tất cả đều có một khởi nguồn đơn giản – giá mà ai cũng sớm biết tới vật lý trị liệu khi gặp phải tai nạn tổn thương về xương khớp, dây chằng để có cơ hội phục hồi tối đa chức năng, không như tôi cách đây chục năm thiếu thốn thông tin không biết chọn cách chăm sóc bản thân mình sau ca mổ nối dây chằng đầu gối.
(Liên tục trao đổi chuyên môn với các Bác sĩ và Chuyên viên trong ngành để nâng cao giá trị kiến thức chia sẻ)
Đằng sau những chia sẻ thật dài của tôi về tầm nhìn khi mở ra phòng khám, có lẽ bạn sẽ còn thắc mắc nhiều về “vật lý trị liệu là gì”. Trong những bài viết chuyên sâu về chia sẻ kiến thức, tôi sẽ giải thích cụ thể và rõ ràng hơn. Còn để hiểu một cách nhanh chóng, ngắn gọn mà vẫn đầy đủ ý, thì Vật lý trị liệuứng dụng trong phục hồi chức năng là những biện pháp điều trị bảo tồn, không chỉ cho phục hồi sau phẫu thuật, sau chấn thương, mà còn ứng dụng rộng rãi nhiều dạng bệnh cột sống, xương khớp và thần kinh… không can thiệp bằng thuốc hay phẫu thuật. Mục tiêu của vật lý trị liệu là hướng cho bệnh nhân phòng bệnh, chữa bệnh và ngăn ngừa bệnh tái phát cũng như các biến chứng khác.
Để hiểu một cách đơn giản nhất thì vật lý trị liệu là cách sử dụng các tác nhân vật lý trong việc điều trị bệnh.
(Toàn cảnh nơi điều trị với các tác nhân vật lý như – sóng ngắn, sóng siêu âm, điện, từ trường, laser, cơ học…)
Các tác nhân vật lý này, ở bậc trung học có lẽ đa số chúng ta đã được học qua, chỉ có điều là chúng ta chưa thực sự biết ứng dụng của chúng vào y học trong điều trị bệnh thế nào thôi. Nói đến các loại sóng chẳng hạn, sóng siêu âm, sóng ngắn, laser… chúng ta cùng lắm là biết đến cái tên chứ chẳng thể nhớ chúng là những gì nữa.
Không sao, tôi cũng như các chuyên viên khác, phải mất nhiều thời gian để học và tìm hiểu, ứng dụng chúng, cho nên tôi cũng sẽ dành lại một khoảng thời gian phù hợp, kể lại về chúng theo cách mà bạn dễ cảm nhận, chứ không phải những khái niệm quá ư là trừu tượng.
(Tận tâm chăm sóc từng bệnh nhân, nhiệt tình giải thích và chia sẻ với từng người thân)
Tại sao tôi tha thiết việc chia sẻ như vậy?
Có hai cách để học được kinh nghiệm cho bản thân – một là học từ sai lầm của bản thân, hai là học từ kinh nghiệm mà người khác đã rút ra được.
Cách thứ nhất thì thông thường bạn phải trả một cái giá khá đắt về mặt thời gian, tiền bạc hay sức khỏe… Còn cách thứ hai thì chỉ cần bạn bỏ chút thời gian, tìm tòi những nguồn kinh nghiệm tốt được chia sẻ chân thành và học hỏi từ đó. Tôi nghĩ rằng khi thực sự biết rõ về điều gì đó, chúng ta sẽ chẳng còn gì để lo ngại và sợ hãi nữa. Bệnh mà biết mình bệnh, chữa bệnh mà biết phương pháp chữa bệnh thì chúng ta chẳng phải là đã được chuẩn bị rất kỹ càng về mặt thời gian và tâm lý đó sao? Chúng ta đón nhận giai đoạn chữa bệnh như một điều tất nhiên phải có, theo cách mà chúng ta am hiểu về nó nhất, và rồi chúng ta đợi kết quả hồi phục cũng như một lẽ tất nhiên sẽ đến – một cách an toàn, bền vững, không tác dụng phụ, ít khả năng tái phát…
Với tâm nguyện đó, tôi truyền tải thông điệp rõ ràng đến những Bác sĩ, Chuyên viên và Kỹ thuật viên đồng hành tại trung tâm – chúng tôi cùng mang lại giá trị về sự hiểu biết cho mọi người, khi mà đâu có ai mãi khỏe mạnh đến trăm tuổi…!
Cảm ơn Bác sĩ Lập Phương cùng các bạn Kỹ thuật viên đã bên tôi suốt thời gian vừa qua!
Diệp Anh.
Phòng khám Hữu Nhân – Phục hồi chức năng và Vật lý trị liệu
205 Trần Bình Trọng, Phường 3, Quận 5, Tp.HCM
Liên hệ (08) 66601777 – 0933358008