Đối Với Diện Vợ/ Chồng, Hôn Thê/ Hôn Phu (Visa K-1)
Phần lớn những ai có liên quan đến hồ sơ phỏng vấn định cư Mỹ nói chung và hồ sơ đi Mỹ theo diện bảo lãnh của vợ/chồng, hôn thê/hôn phu nói riêng đều boăn khoăn về cách đặt câu hỏi của viên chức Lãnh sự quán Mỹ trong buổi phỏng vấn. Trên thực tế, các viên chức Lãnh sự được đào tạo rất bài bản và khoa học để có thể đặt câu hỏi cho đương đơn nhằm tìm ra sự thật của mối quan hệ, và đương nhiên đối với những đương đơn từ Việt Nam họ sẽ được đào tạo đặc biệt để có “chiến lược” đặt câu hỏi để đương đơn buộc lòng phải bộc lộ sự thật. Vậy, chiến lược phỏng vấn của viên chức Lãnh sự quán Hoa Kỳ là gì?
Qua nhiều năm kinh nghiệm xử lý hồ sơ định cư Mỹ cho đương đơn Việt Nam, chúng tôi rút ra được một số chiến lược hỏi cơ bản mà các viên chức phỏng vấn thường sử dụng trong các buổi phỏng vấn.
Chiến lược 1: Hỏi nhanh và dồn dập
Với cách đặt câu hỏi nhanh và dồn dập, theo logic thông thường nếu những ai tuy là mối quan hệ thật nhưng không nắm vững thông tin của nhau thì câu trả lời sẽ có sự ấp úng. Từ đó sẽ phát sinh ra nhiều hệ lụy trong các câu trả lời sau đó, và cuối cùng là dẫn đến sự nghi ngờ của người phỏng vấn.
Theo quan điểm của viên chức Lãnh sự, chỉ có những mối quan hệ không thật thì mới không nắm được thông tin của nhau, dẫn đến sự ấp úng trong câu trả lời.
Chiến lược 2: Hỏi xoáy sâu vào một vấn đề
Đôi khi bạn chuẩn bị phương án trả lời cho nhiều vấn đề mà bạn nghĩ là quan trọng nhưng trong mỗi vấn đề bạn lại không có sự chuẩn bị kỹ và có chiều sâu. Khi viên chức Lãnh sự đặt câu hỏi xoáy sâu vào chỉ một vấn đề và bạn sẽ bị bất ngờ bởi sự chuẩn bị “rộng mà không sâu” của mình, dẫn đến việc trả lời không tốt.
Ví dụ: khi viên chức hỏi về mối quan hệ cũ của người bảo lãnh, ngoài những câu hỏi về tên, tuổi, nơi ở hiện tại,… họ có thể hỏi thêm: người vợ/chồng cũ của người bảo lãnh hiện nay có còn liên lạc gì với chồng/vợ hiện tại của bạn không? Hiện giờ đang làm công việc gì và nguồn thu nhập từ công việc đó ra sao? Đã lập gia đình với ai chưa?… nếu như bạn không có sự chuẩn bị thật sâu sắc và lường trước tất cả các khả năng xảy ra thì khi đối mặt với vấn đề này, chắc chắn bạn gặp rắc rối.
Chiến lược 3: Hỏi trẻ con đi cùng
“Trẻ con không biết nói dối” – viên chức Lãnh sự biết rất rõ điều này, do vậy khi cần kiểm tra sự thật cho những trường hợp phỏng vấn có con đi kèm, họ cũng sẽ đặt vài câu hỏi cho đứa trẻ. Những câu hỏi đó đôi khi tưởng là “hỏi vu vơ” hoặc những câu xã giao thông thường, nhưng ẩn chưa bên trong là cơ sở để họ kiểm tra sự thật.
Chúng tôi đã từng giúp một trường hợp hai mẹ con được bảo lãnh diện hôn thê, người mẹ được hỏi rất ít và sau đó họ tách người mẹ ra để hỏi riêng đứa bé về người cha ruột, về người bảo lãnh (cha kế), về những lần mà người cha kế về Việt Nam thăm hai mẹ con. Vì được chuẩn bị kỹ càng nên đứa bé đã hoàn toàn tự tin để trả lời theo cách có lợi nhất cho hồ sơ.
Hãy nắm rõ các “chiến lược đặt câu hỏi” của viên chức Lãnh sự
Tại sao hồ sơ tôi là thật, mối quan hệ giữa chúng tôi là thật nhưng tôi vẫn bị viên chức Lãnh sự không tin và không đòng ý cấp visa. Đó là điều trăn trở rất lớn từ đương đơn Việt Nam. Để tránh những kết quả phỏng vấn đáng tiếc, đương đơn và người bảo lãnh cần nắm chắc 3 chiến lược hỏi cơ bản nêu trên và biết cách tập luyện các phương án trả lời thì bạn sẽ tự nâng cao được khả năng đạt visa định cư Mỹ của bản thân mình.
(Nguồn: Toàn Cầu Visa)