1. Vắc Xin HPV
Human Papillomavirus (HPV), vi rút u nhú ở người, là tác nhân gây ra các bệnh như mụn cóc sinh dục, ung thư cổ tử cung, một số loại ung thư hiếm gặp.
Có hơn 100 chủng vi rút HPV khác nhau, trong đó 2 chủng HPV (HPV16 và HPV18) là thủ phạm chính gây ra 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung, 80% ung thư hậu môn, 60% ung thư âm đạo, và 40% các bệnh ung thư âm hộ. Bên cạnh, hai chủng vi rút này cũng là tác nhân gây ra các bệnh ung thư miệng, và một số bệnh ung thư hiếm gặp ở bộ phận sinh dục. Trong đó, HPV6 và HPV11 gây ra 90% mụn cóc ở bộ phận sinh dục .
Trên thế giới, nhiễm HPV là loại nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục ở người lớn phổ biến nhất . Có tới trên 80% phụ nữ Hoa Kỳ trên 50 tuổi đã có ít nhất một lần bị nhiễm một chủng HPV trong đời. Mặc dù, hầu hết các phụ nữ bị nhiễm HPV sinh dục thường không có biến chứng . Tuy nhiên, hàng năm thế giới ghi nhận khoảng 529.000 trường hợp ung thư cổ tử cung mắc mới và 275.000 tử vong. Tỷ lệ chết /mắc xấp xỉ 50%. Trong đó, có khoảng 85% các bệnh ung thư và 80% các trường hợp tử vong do ung thư cổ tử cung xảy ra ở các nước đang phát triển . CIN (Cervical intraepithelial neoplasia) là tổn thương tiền thân của ung thư cổ tử cung . Không ai có thể ước tính được hiện nay có bao nhiêu phụ nữ trên thế giới có tổn thương CIN. Tại Hoa Kỳ, trung bình mỗi năm phát hiện được khoảng 11.000 trường hợp ung thư cổ tử cung, thường xảy ra ở phụ nữ chưa bao giờ hoặc trong 5 năm gần đây không làm xét nghiệm phát hiện vết đốm ở cổ tử cung (Pap smear). Tại Việt Nam, HPV cũng là tác nhân chính được tìm thấy trong các tổn thương tiền ung thư ở biểu mô cổ tử cung.
Hiện nay, một số loại vắc xin HPV đã có mặt trên thị trường và được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu . Các loại vắc xin HPV này được đánh giá là có khả năng ngăn ngừa các bệnh liên quan đến nhiễm HPV. Vắc xin có khả năng phòng 2 loại vi rút HPV16 và HPV18 như Cervarix, hoặc phòng tới 4 loại vi rút bao gồm HPV16, HPV18, HPV6 và HPV11, ví dụ Gardasil. Vắc xin HPV đã được chứng minh là có khả năng ngăn ngừa các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung, ngăn chặn HPV gây ung thư ở hậu môn, âm hộ, âm đạo và dương vật , và ung thư miệng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bộ Y tế của các quốc gia bao gồm Canada, Châu Âu và Hoa Kỳ đã đưa ra khuyến cáo tiêm chủng vắc xin HPV cho phụ nữ từ 13 tuổi trở lên. Tại Úc, Hoa Kỳ và một số nước phát triển, vắc xin HPV được chấp thuận cho sử dụng ở cả nam giới. Ngoài việc bảo vệ cho bạn tình của họ không bị truyền nhiễm HPV, việc tiêm chủng vắc xin HPV còn có thể bảo vệ nam giới chống lại mụn cóc ở bộ phận sinh dục, ung thư hậu môn, các bệnh ung thư khác do HPV gây ra. Vắc xin HPV cũng được khuyến nghị tiêm chủng cho các đối tượng có nguy cơ cao như những người nam giới có quan hệ tình dục với nam giới, hoặc những người có tổn thương hệ thống miễn dịch. Gần đây, chính phủ Úc tiên phong cho phép tiêm chủng vắc xin HPV cho cả nam và nữ từ 9 tuổi trở lên nhằm ngăn ngừa tình trạng nhiễm HPV, làm giảm số trường hợp phải điều trị tiền ung thư cổ tử cung, phòng ngừa ung thư cổ tử cung và các loại ung thư khác.
Tuy nhiên, vì các loại vắc xin HPV hiện nay có mặt trên thị trường chỉ có thể phòng ngừa được một số chủng HPV có tỷ lệ nhiễm cao, do đó các chuyên gia y tế khuyên rằng phụ nữ vẫn cần phải thường xuyên được xét nghiệm sàng lọc bằng kỹ thuật Pap smear, ngay cả khi đã tiêm chủng các loại vắc xin HPV này.
2. Hiệu lực của vắc xin HPV
Các loại vắc xin HPV hiện nay đã được chứng minh có đủ hiệu lực để ngăn chặn tình trạng loạn sản tế bào tuyến cổ tử cung do nhiễm HPV16, HPV18 và một số chủng khác như HPV6, HPV11. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chủng HPV nguy cơ cao khác không bị ảnh hưởng bởi các loại vắc xin HPV hiện có. Hiệu lực bảo vệ của vắc xin HPV được chứng minh là có thể kéo dài ít nhất 5 năm sau khi chủng ngừa và đang được các chuyên gia tiếp tục theo dõi . Vì vậy, các liều vắc xin tiêm chủng nhắc lại sau 5 năm là chưa thực sự cần thiết.
Một phân tích gần đây từ một thử nghiệm lâm sàng của vắc xin HPV cho thấy vắc xin có hiệu lực bảo vệ phụ nữ chống lại nhiễm HPV16 và HPV18 mạn tính tạig hậu môn, hoặc ở cổ tử cung. Tuy nhiên, có khoảng 30% các ung thư cổ tử cung, khoảng 10% mụn cóc ở bộ phận sinh dục không được ngăn ngừa bằng vắc xin. Đồng thời, vắc xin không ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
HPV16, HPV18 và HPV45 là tác nhân gây ra ung thư tuyến ở cổ tử cung, chiếm đến 94% các trường hợp ung thư cổ tử cung. Bên cạnh, xét nghiệm Pap smear khó phát hiện được loạn sản tế bào tuyến. Vì vậy, trong các chương trình sàng lọc sử dụng kỹ thuật Pap smear bỏ sót một số lượng các trường hợp bị ung thư tế bào tuyến . Thử nghiệm lâm sàng cho thấy vắc xin HPV hiện nay cũng có hiệu lực làm giảm tỷ lệ ung thư tuyến cổ tử cung.
Nguồn: hpvinfo.vn
Tìm hiểu các thông tin về: