Có rất nhiều loại sữa bột trên thị trường hiện nay và sữa nào cũng quảng cáo tốt cho bé. Làm cho không ít bà mẹ rất lo lắng, băn khoăn khi chọn sữa cho con mình. Những gợi ý sau sẽ giúp chọn cho bé yêu loại sữa phù hợp nhất, để chăm sóc bé được tốt nhất.
I. Sữa cho trẻ dưới 1 tuổi
1. Sữa dành cho trẻ sanh non nhẹ cân: ví dụ như Frisolac Premature, Enfalac Premature, Dumex Premature… nếu trẻ có cân nặng dưới 2.500g, bạn nên sử dụng nhóm sữa này để nuôi trẻ. – Chứa protein, vitamin và khoáng chất cao phù hợp cho trẻ sanh non. – Năng lượng cao hơn so với sữa bình thường (0,7-0,75Kcal/ml so với 0,67Kcal/ml) Ngoài ra , ở những nước đã phát triển còn có dạng sữa mẹ đóng hộp được bổ sung thêm vi chất như Enfamil Human Milk Fortifier, Similac Natural Care Human Milk Fortifier, Similac Human Milk Fortifier…
2. Sữa công thức dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi: ví dụ như Similac, Enfalac, SMA, Dielac1, cô gái Hà Lan step1, Lactogen1, Dumex 1, Guigoz 1, NAN 1 … – Loại sữa này phù hợp cho trẻ sơ sinh (có cân nặng lúc sanh trên 2.500g) tới sáu tháng tuổi vì dễ tiêu hóa và có tỉ lệ canxi/photpho = 2:1, tỉ lệ này tối ưu cho thận của trẻ nhỏ và tăng cường hấp thụ canxi. – Cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng khi trẻ bú được 150ml/kg cân nặng/ngày.
3. Sữa dành cho trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi: ví dụ như Enfapro, Gain, cô gái Hà Lan step 2, Dielac 2… Trẻ sau 6 tháng tuổi cần được cho ăn giặm đa dạng với đầy đủ bốn nhóm thực phẩm gồm chất béo, tinh bột, đạm, rau và trái cây. Sự tăng cân của trẻ không còn phụ thuộc nhiều vào chế độ sữa như trẻ dưới 6 tháng tuổi. Trẻ chỉ cần bú 500-800ml sữa/ngày là đủ, phụ thuộc vào cân nặng hiện tại của trẻ.
II. Sữa dành cho trẻ trên 1 tuổi
Ví dụ như cô gái Hà Lan 123, Enfagrow, Dielac3, Dugro, Nestlé 1+…… Có thể chia ra loại trên 3 tuổi và trên 6 tuổi do tùy theo nhu cầu ưu tiên chất dinh dưỡng theo lứa tuổi như nhiều canxi hơn, nhiều chất giúp tăng cường chống nhiễm khuẩn hơn, nhưng nói chung thì tương đối không khác nhau nhiều và sự lựa chọn không cần chặt chẽ quá do trẻ còn ăn thêm nhiều thực phẩm khác nữa. Trẻ cần uống khoảng 300-500ml sữa/ngày.
III. Nhóm sữa dành cho các nhu cầu đặc biệt
1. Nhóm không có đường lactose: Nhóm sữa này thường dùng cho trẻ có ruột bị kích thích, đầy hơi, tiêu lỏng do nhạy cảm với đường lactose. Dựa vào nguồn đạm có trong sữa, nhóm này được phân làm hai loại: – Gốc động vật: ví dụ như Dumex lacto-free, Similac Lactose Free, Enfalac Lactose Free.. – Gốc thực vật: ví dụ như Prosobee, Nursoy, Isomil….
2. Sữa thủy phân: Sữa không chứa đường lactose và protein sữa bò đã bị thủy phân nên dễ tiêu hóa dùng cho trẻ bị dị ứng sữa bò: Nutramigen, Pregestimil và Alimentum. Ngoài ra, có thể dùng cho trẻ từ sơ sinh bị rối loạn tiêu hóa, ăn uống bất cứ loại gì cũng tiêu chảy, không dung nạp được thức ăn do tiêu chảy nặng kéo dài, bệnh lý mổ cắt ruột nhiều, suy dinh dưỡng dạng teo đét. Nếu gia đình bạn có tiền căn dị ứng thức ăn hoặc trẻ bị dị ứng sữa bò, bạn nên chọn sữa đậu nành hoặc sữa thủy phân nếu trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ. Tuy nhiên cũng có một số trẻ dị ứng sữa bò có phản ứng dị ứng chéo với sữa đậu nành.
3. Sữa dành cho trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản: Một số sữa công thức có bổ sung thêm tinh bột gạo (ví dụ như Enfamil AR), hoặc bổ sung thêm chất gôm thiên nhiên có đặc tính làm đặc sữa giúp giảm nôn và nuôi dưỡng các vi khuẩn có ích trong ruột, làm tăng thể tích và độ dẻo của phân, ngăn ngừa táo bón và các cơn đau co thắt (ví dụ như Frisolac Comfort).
4. Nhóm sữa không chất béo: Sữa không chất béo chứa ít năng lượng và không chứa cholesterol thường được sử dụng cho đối tượng có nhu cầu canxi nhưng không muốn tăng cân hoặc cần kiêng chất béo như trong bệnh lý rối loạn chuyển hóa lipid, cholesterol cao, tiểu đường hoặc do kém hấp thu chất béo như bệnh lý gan mật, tiêu hóa.
Khi đã chọn xong loại sữa, bạn cần chú ý những vấn đề sau:
– Xem thời gian sử dụng trên nhãn sữa.
– Pha chế sữa đúng theo hướng dẫn được ghi trên nhãn sữa vì nếu pha sữa đặc có thể dẫn đến tình trạng rối loạn điện giải và tổn thương thận của trẻ, ngược lại nếu pha sữa lỏng sẽ làm trẻ ảnh hưởng sự tăng trưởng của trẻ và có thể gây suy dinh dưỡng.
– Phải rửa tay trước khi cầm vào bình sữa và khi cho trẻ bú.
– Cần tiệt trùng bình sữa trước khi pha chế.
– Sau khi trẻ đã bú xong nên đổ bỏ phần sữa còn thừa lại vì vi trùng trong nước bọt của trẻ sẽ sống và tăng sinh trong phần sữa đó.
Không nên:
– Ủ hoặc để tủ lạnh sữa đã được pha mà không sử dụng ngay.
– Hâm nóng sữa bằng lò vi sóng vì nhiệt độ của sữa có thể rất cao mặc dầu bình sữa khi bạn chạm vào không nóng.
– Dùng nước rau để pha sữa.