Phạm Hữu Tiệp – người sở hữu hơn 160 công trình khoa học

0
15122

Là một cựu thí sinh Olypic Toán năm 1979 giờ là một người sở hữu khoảng 160 công trình khoa học. Chàng chai nhỏ nhắn chỉ 35kg đã tạo cho mọi người rất nhiều bất ngờ. Hãy cùng chúng tôi xem nhé!

Phạm Hữu Tiệp – mặc áo trắng bên phải

Phạm Hữu Tiệp (giáo sư Đại học Arizona (Mỹ) được đánh giá là chuyên gia hàng đầu thế giới về lý thuyết nhóm, lý thuyết biểu diễn và đại số Lie. Tại Đại hội toán học thế giới diễn ra vào năm 2018 ở Rio de Janero (ICM 2018), anh sẽ báo cáo ở tiểu ban đại số. Có rất ít nhà toán học Việt Nam đạt được vinh dự này.

Trong đội hình 4 học sinh dự thi IMO tại Anh năm 1979, cậu học sinh trường Chu Văn An (Hà Nội) nhỏ tuổi nhất và nhẹ cân nhất, chưa đầy 35kg. Nhưng sức làm toán của Tiệp xếp đầu đội tuyển. Năm đó Phạm Hữu Tiệp cùng 2 thí sinh khác giành giải bạc, Lê Bá Khánh Trình giải vàng. Khi kết quả kỳ thi được công bố, thầy Lê Hải Châu, phụ trách đội tuyển, đánh giá: “Khi học thì nhất Tiệp nhì Trình, khi thi thì nhất Trình nhì Tiệp”.

Năm 1980, Phạm Hữu Tiệp sang học khoa Toán – Cơ, Đại học Tổng hợp Lomonosov (MGU, Liên Xô cũ). Lúc mới sang, anh thấp bé nhất trường, thường được gọi thân mật Tiệp “Chích”. Tuy nhỏ bé, chàng trai Hà Nội được bạn bè khâm phục bởi điểm thi luôn là 5 (xuất sắc), đạt giải nhất kỳ thi Olympic Toán sinh viên Matxcova năm thứ nhất và giải nhì cuộc thi công trình sinh viên toàn Liên bang năm thứ tư.

Tốt nghiệp đại học với tấm bằng đỏ, Phạm Hữu Tiệp làm tiếp nghiên cứu sinh, rồi luận án tiến sĩ (nay gọi là tiến sĩ khoa học) và bảo vệ thành công năm 1991. Giai đoạn này, anh nghiên cứu về dàn nguyên, khai triển trực giao của đại số Lie và bắt đầu chuyển sang các vấn đề của lý thuyết nhóm, lý thuyết biểu diễn.

Năm 1994, khi làm việc ở Viện Humboldt (Đức), anh cùng giáo sư A.I.Kostrikin hoàn thành cuốn sách chuyên khảo “Khai triển trực giao và dàn nguyên”, tổng kết toàn bộ công trình của nhóm nghiên cứu về lĩnh vực này do A.I.Kostrikin lãnh đạo và anh là “thợ chính”.

Anh sang Mỹ năm 1996 và làm việc từ đó đến nay qua nhiều đại học như Ohio, Florida. Từ năm 2008 đến nay, anh là giáo sư Đại học Arizona, cộng tác với Viện nghiên cứu khoa học toán học (MSRI) Berkeley, Viện nghiên cứu cao cấp Princeton… GS Tiệp cũng là thành viên Ban biên tập của nhiều tạp chí lớn, tham gia tổ chức nhiều hội nghị quốc tế lớn về toán.

Được đánh giá là một trong những nhà toán học làm việc hiệu quả nhất thế giới hiện nay, đến tháng 7/2017, Phạm Hữu Tiệp có trên 160 công trình khoa học trong các lĩnh vực lý thuyết nhóm, lý thuyết biểu diễn nhóm, nhóm đại số và đại số Lie, dàn nguyên và mã tuyến tính, viết chung cùng hàng chục tác giả. “Giả thuyết Ore” anh viết chung cùng MW Liebeck, EA O’Brien, A Shalev đăng trên tạp chí của Hội toán học châu Âu năm 2010 được 122 lượt trích dẫn.

Phạm Hữu Tiệp – người mặc áo sơ mi xanh bên tay phải

Xa Việt Nam 37 năm, nhưng Phạm Hữu Tiệp luôn hướng về quê hương. “Tôi luôn cảm thấy thiếu thời gian vì việc mình muốn làm thì nhiều mà quỹ thời gian thì có hạn. Nhưng chắc chắn tôi sẽ vẫn dành phần lớn thời gian cho việc làm toán. Tôi cũng rất quan tâm và sẽ tham gia đóng góp vào việc giúp đỡ đào tạo các bạn trẻ Việt Nam yêu toán”, anh chia sẻ.

GS Tiệp vẫn thường xuyên liên lạc với đồng nghiệp ở Việt Nam để trao đổi và xin học bổng cho sinh viên Việt Nam sang làm luận án tiến sĩ tại Đại học Florida, Đại học Arizona, cũng như giới thiệu các em đến với đại học ở Mỹ, nơi có đồng nghiệp của anh làm việc.

Năm 2007, anh cùng hơn 40 cựu thí sinh giành huy chương IMO về Việt Nam tham gia Ban giám khảo kỳ thi toán quốc tế lần thứ 48 và làm đội trưởng chấm bài toán số 6. Trưởng các đoàn rất ngạc nhiên vì Việt Nam chấm bài mà hầu như không cần phiên dịch. Lý do là Ban giám khảo của Việt Nam đã biết gần hết ngoại ngữ quan trọng như: Nga, Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha…

Trong cuộc sống đời thường, Phạm Hữu Tiệp được bạn bè đánh giá là “đáng mến, vui vẻ, nhiệt tình và rất quan tâm đến mọi người”. Anh nói rất nhanh và cãi rất hăng. Bạn bè cùng học MGU hoặc Matxcova với anh luôn nhớ hình ảnh của Tiệp “Chích” trên sân bóng hoặc dưới hội trường các buổi biểu diễn văn nghệ với tiếng hô cổ vũ “không lạc đi đâu được”.

Phạm Hữu Tiệp chia sẻ, có 3 phụ nữ ảnh hưởng rất lớn đến anh. Người thứ nhất là mẹ anh. Giai đoạn tiểu học, khi bố công tác ở xa, mẹ anh đã gánh vác mọi việc chăm sóc gia đình. “Có lẽ tôi được thừa hưởng tinh thần hiếu học và sự say mê công việc của bố mẹ. Mẹ tôi tuy không theo ngành toán, nhưng luôn động viên, dõi theo từng bước trưởng thành của tôi”, anh tâm sự.

Người thứ hai là bà Alexandra Iakovlevna Kostrikina, vợ giáo sư hướng dẫn Alexei Ivanovic Kostrikin. Nếu như giáo sư Kostrikin là người dẫn đường, tạo định hướng ban đầu cho những nghiên cứu của Phạm Hữu Tiệp thì bà Alexandra Iakovlevna là “chủ nhiệm tổng cục hậu cần”. Thỉnh thoảng anh được bà chiêu đãi bữa ăn ngon. Mỗi khi thầy trò vào rừng làm việc, đến trưa bà cùng cháu gái đem đồ ăn vào tiếp tế. Đám cưới của anh, ông bà giáo làm chủ hôn.

Người thứ ba, quan trọng nhất, là vợ anh. Tốt nghiệp Đại học Moris Torez danh giá, chị gác bỏ sự nghiệp để chăm lo cho chồng. Từ những ngày gian khó ở Matxcova (những năm 1990 có nhiều biến động, cuộc sống ở Matxcova rất thiếu thốn) đến thời kỳ rong ruổi qua Đức, Israel rồi đến Mỹ, chị luôn lo lắng để chồng có sức khoẻ và tinh thần tốt nhất tập trung cho công việc. Bạn bè đến thăm đều cảm nhận sự nhiệt tình, mến khách của gia đình nhỏ 4 người.

Ba người phụ nữ ấy đã góp phần không nhỏ để Tiệp “Chích” nhỏ bé ngày nào trở thành “người khổng lồ” trong khoa học hôm nay.

Nguồn: Tổng hợp

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here